Hoa càng cua là loài hoa đang được ưa chuộng và trồng phổ biến trong mỗi gia đình bởi sở hữu vẻ đẹp quyến rũ, xao xuyến lòng người. Những bông hoa nhỏ nhắn có hình dáng như những chiếc càng cua nên được gọi là hoa càng cua. Trong bài viết dưới đây, Cachtronghoa.com sẽ chia sẻ tới bạn đọc cách trồng hoa càng cua tại nhà đơn giản và hiệu quả nhất. Bạn đọc cùng tham khảo nhé!
1. Giới thiệu về cây hoa càng cua
Hoa càng cua còn có tên gọi khác là tiểu quỳnh, thuộc họ xương rồng, có nguồn gốc từ Rio de Janeiro, Brazil. Đây là dòng cây phụ sinh, sống bám vào những thân cây khác hoặc thân hóa gỗ nếu được trồng lâu năm. Cây có nhiều cành nhỏ, nhánh cây mọng nước, mỗi nhánh có từ 2-3 cành, chiều cao từ 20-40cm.
Càng cua thường nở hoa vào tháng 10 đến tháng 3 dương lịch hàng năm. Hoa có hình dáng như chiếc càng cua nhỏ, cánh hoa mỏng manh, bóng mượt, xếp thành hình xoắn ốc nhiều màu sắc như tím, đỏ, hồng, trắng… Hoa càng cua khi nở giữ được rất lâu, phải 2-3 tháng sau mới tàn.
Xem thêm: Cách trồng hoa ly nở đẹp rực rỡ, lâu tàn đúng dịp Tết
2. Ý nghĩa của cây hoa càng cua
Càng cua tượng trưng cho tình cảm bền chặt, sâu sắc và tinh tế của chủ nhân gửi gắm tới những người xung quanh. Chính vì thế loài hoa này hay được dùng làm quà tặng nhau trong mỗi dịp đặc biệt để thay lời muốn nói.
Mỗi một màu hoa lại có ý nghĩa riêng biệt. Hoa càng cua màu đỏ rực thể hiện cho tình cảm mặn nồng, rực cháy. Càng cua màu càng lại biểu tượng cho sự khích lệ, động viên đến người thân khi họ gặp thử thách khó khăn.
3. Cách trồng cây hoa càng cua tại nhà
3.1. Chuẩn bị trồng hoa càng cua
– Dụng cụ trồng hoa
Để trồng được loài hoa này thì bạn cần chuẩn bị đầy đủ những dụng cụ làm vườn như kéo cắt, dao xẻng, dây buộc, chậu trồng cây… Tất cả vật dụng phải có kích thước phù hợp với cây giống và sở thích của bạn.
– Chuẩn bị đất trồng
Càng cua rất ưa ẩm tuy nhiên cũng dễ úng rễ, chính vì thế cần sử dụng loại đất trồng giữ ẩm tốt, thoáng khí, tơi xốp và giàu dinh dưỡng. Bạn có thể trộn đất theo công thức đất + phân trùn quế + trấu hun + đá perlite với tỉ lệ 3:2:1:1. Có thể dùng một ít nấm Trichoderma để phòng ngừa nấm cho đất.
– Chọn giống hoa
Càng cua thường được trồng bằng cành giâm. Thời điểm tốt nhất để trồng hoa là vào mùa xuân hoặc hè vì lúc này cây đang sinh trưởng và phát triển tốt nhất, dễ thích nghi với điều kiện nhiệt độ.
3.2. Tiến hành trồng hoa càng cua
Bước 1: Chọn 1 cành giống khỏe mạnh, mập mạp, có nhiều chồi lá non và không được sâu bệnh từ cây mẹ. Sau đó dùng dao sắc để cắt vát cành cây 1 đoạn khoảng 10cm rồi để bên ngoài 1-2 ngày cho se gốc.
Bước 2: Tiến hành giâm cành xuống đất đã chuẩn bị, tưới nước cho đất ẩm rồi đặt chậu cây nhẹ nhàng ở nơi khô thoáng, râm mát, không có ánh nắng. Sau khoảng 1 tháng cành giâm sẽ ra chồi mới và phát triển bình thường.
4. Cách chăm sóc hoa càng cua sau khi trồng
4.1. Phân bón cho cây
Bạn cần bổ sung dinh dưỡng cho hoa bằng phân bón dạng tưới hoặc dạng viên tan chậm giúp cây hấp thu tốt hơn. Định kỳ 10-15 ngày sẽ bón 1 lần. Bên cạnh đó cũng có thể sử dụng các loại phân hữu cơ như phân trùn quế, phân tro hoai mục, phân chuồng,… để kích thích cây sinh trưởng, phát triển và ra hoa chất lượng hơn.
4.2. Điều kiện ánh sáng
Loài hoa này ưa sáng nhưng lại rất dễ bị cháy lá nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời gay gắt. Bạn nên cho cây phơi nắng sớm từ 1-2 lần/tuần, mỗi lần khoảng 2 tiếng. Vào mùa thu và xuân nên để cây ngoài trời cho cây hấp thụ ánh sáng đủ. Mùa hè thì cần đặt cây trong bóng râm hoặc che chắn kỹ cho cây để giữ được màu chuẩn cho hoa.
4.3. Tưới nước cho cây
Hoa càng cua có thân mọng nước nên ưa ẩm, độ ẩm thích hợp từ 40-60%. Tuy nhiên nếu đất ẩm quá thì cây cũng sẽ bị nhiễm bệnh. Do đó bạn cần tưới nước đúng cách, chỉ nên tưới khi thấy bề mặt đất đã khô ráo. Vào mùa hè, thời điểm cây ra hoa thì cần tưới nhiều hơn vì đây là lúc cây cần nhiều nước.
5. Phòng ngừa sâu bệnh cho hoa càng cua
Hoa càng cua có sức kháng bệnh cao nên ít bị sâu hại tấn công. Hầu hết những căn bệnh mà loài hoa này gặp sẽ là bệnh vàng lá và rụng hoa. Nguyên nhân có thể là do ánh sáng chưa phù hợp, thiếu dưỡng chất hoặc đất quá ẩm. Để khắc phục bạn cần xem lại cách chăm sóc, bón phân đầy đủ cho cây.
Bạn có thể sử dụng các chế phẩm sinh học như dầu neem, dịch tỏi, thuốc sâu sinh học từ hành tăm hoặc ớt để phun định kỳ phòng trừ sâu bệnh cho cây.
Cách trồng và chăm sóc hoa lan càng cua mà chúng mình chia sẻ ở trên hy vọng sẽ hữu ích với bạn đọc. Mong rằng những thông tin này sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm để trồng được những chậu lan càng cua đẹp ưng ý và có những trải nghiệm thú vị với loài hoa này. Chúc bạn thành công!