Ớt ngũ sắc là loại hoa cảnh đang được ưa chuộng trong những năm gần đây đặc biệt với các chị em nội trợ. Không chỉ là một nguyên liệu quan trọng để nấu ăn mà những cành ớt ngũ sắc nhiều màu sặc sỡ còn giúp trang trí, tô điểm cho không gian nhà thêm xinh đẹp. Vậy, cách trồng ớt ngũ sắc thế nào? Mời bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây của Cachtronghoa.com nhé.
1. Giới thiệu về cây hoa ớt ngũ sắc
Ớt ngũ sắc là một biến thể ưu việt của cây ớt thường, đang được trồng phổ biến tại Việt Nam. Đây là loại ớt thượng phẩm với những chùm quả chín mọng nhiều màu sắc như đỏ, vàng, hồng, xanh, tím, cam…..
Loại ớt này có chất lượng cao, dễ trồng vì chúng có sức sống mạnh mẽ, thích nghi được với mọi điều kiện môi trường, nhiệt độ từ các khu vực sống khác nhau.
Cây ớt có kích thước nhỏ chỉ khoảng 30-60cm, thân cây thẳng có nhiều nhánh xòe ra xung quanh. Lá cây màu xanh mướt, thon dài, mọc so le nhau.
Hoa ớt nhỏ xíu, màu trắng như tuyết được mọc ra từ các nách lá, nở rộ vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Hoa ớt rất sai và cho khả năng đậu quả cao.
Xem thêm: Cách trồng hoa hồng Abraham khỏe mạnh, lớn nhanh, hoa sai trĩu trịt
2. Trồng hoa ớt ngũ sắc vào thời điểm nào?
Ớt ngũ sắc thích nghi được với mọi điều kiện nhiệt độ nên bạn có thể trồng cây quanh năm theo nhu cầu của mình. 3 vụ chính hay được người trồng áp dụng đó là:
– Vụ sớm: Bắt đầu gieo hạt vào tháng 8-9 và thu hoạch từ tháng 12-1 dương lịch hàng năm.
– Vụ chính (Đông Xuân): Bắt đầu gieo hạt tháng 10-11 và thu hoạch tháng 2-3 dương lịch hàng năm.
– Vụ Hè Thu: Bắt đầu gieo hạt vào tháng 4-5 và thu hoạch và tháng 8-9 dương lịch hàng năm.
3. Cách trồng hoa ớt ngũ sắc tại nhà đúng chuẩn
3.1. Chuẩn bị trồng hoa ớt ngũ sắc
– Chọn hạt giống hoa
Hoa ớt ngũ sắc dễ nhân giống, bạn có thể trồng bằng cách gieo hạt. Nên mua hạt giống ở cửa hàng cây giống hoặc những trang web điện tử uy tín. Chọn những hạt già, to mẩy, sẫm màu, không bị ẩm mốc hay sâu bệnh.
– Chuẩn bị chậu trồng
Với loài cây này thì bạn chọn kiểu dáng hoặc chất liệu chậu như chậu đất nung, chậu sứ, chậu nhựa, thùng xốp… đều được. Tuy nhiên để cây sinh trưởng tốt, bạn nên dùng những chậu có kích thước cân đối với tán cây và phải có lỗ thoát nước để tránh ngập úng cho cây.
– Chuẩn bị đất trồng
Ớt ngũ sắc không chịu được úng, nên đất trồng cần phải đảm bảo độ tơi xốp, có khả năng thoát nước tốt, độ dinh dưỡng cao. Bạn cũng có thể tự phối trộn đất từ các nguyên liệu như: đất, giá thể (mùn cưa, xơ dừa,…) và phân hữu cơ (phân trùn quế, phân chuồng hoai mục). Công thức phối trộn là: ½ đất + ¼ xỉ than + ¼ phân hữu cơ.
3.2. Tiến hành trồng hoa ớt ngũ sắc
Bươc 1: Bạn cần xử lý hạt giống trước khi gieo. Nên ngâm hạt trong nước ấm khoảng 40 độ C trong 3 giờ để hạt mềm hơn. Tiếp theo vớt ra rửa sạch, để ráo nước và đem hạt đi gieo. Bước này sẽ giúp hạt nảy mầm nhanh hơn, đều hơn.
Bước 2: Xử lý nấm bệnh cho đất trồng, sau đó cho đất vào 2/3 chậu trồng (cách miệng châu 7-10cm) và tưới ẩm cho đất cho đất mềm hơn.
Bước 3: Xới đất khoảng 0,5cm rồi tiến hành gieo hạt xuống. Tiếp tục phủ thêm một lớp đất mỏng 1cm lên trên mặt hạt để bảo vệ hạt giống.
Bước 4: Để khay giống vào nơi thoáng mát, kín gió. Sau 5-10 ngày hạt sẽ nảy mầm và khi cây cao 10-15cm thì bạn có thể tách cây ra để trồng riêng.
4. Cách chăm sóc cây ớt ngũ sắc
4.1. Điều kiện ánh sáng
Ánh sáng mặt trời có tác dụng tốt cho sự nảy mầm của hạt đồng thời cũng giúp màu sắc quả lên chuẩn hơn. Chính vì thế bạn cần đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng cho cây trong giai đoạn cây sinh trưởng và ra hoa, đơm quả.
4.2. Tưới nước cho cây
Bạn cần đảm bảo tưới đủ nước cho ớt ngũ sắc 2 lần/ ngày vào sáng sớm và chiều mát để cung cấp độ ẩm cho cây. Sử dụng vòi hoa sen tưới đẫm là phương pháp được khuyên dùng, vừa không văng đất lên lá cây lại giúp tiết kiệm nước mà vẫn giữ ẩm lâu.
4.3. Bón phân cho cây
Hoa ớt ngũ sắc cần được bổ sung dinh dưỡng từ phân bón thường xuyên theo định kỳ thì cây mới sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
Bạn có thể dùng các loại phân chuồng như phân gà , bò, rác hữu cơ hoặc phân trùn quế để bón cho cây mỗi tháng 1 lần. Bên cạnh đó cũng cần kết hợp bón thêm phân vô cơ để đáp ứng được đủ chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây.
4.4. Tỉa nhánh cho cây
Khi cây ớt cao được khoảng 10-15cm thì bạn cần bắt đầu tỉa bỏ những cây yếu, chỉ nên giữ lại mỗi chậu 1-2 cây khỏe nhất. Tới khi cây được khoảng 20cm thì lúc này cần thực hiện cắt tỉa cành cây, loại bỏ những nhánh thừa, cành lá héo để cây thông thoáng và phát triển đều.
5. Phòng ngừa sâu bệnh cho hoa ớt ngũ sắc
Ớt ngũ sắc mặc dù có sức sống mãnh liệt tuy nhiên bạn cũng cần chú ý và quan tâm đến vấn đề sâu bệnh ở cây. Một số loại bệnh mà loài cây này hay mắc phải đó là: sâu ăn lá, nhện đỏ, bọ trĩ, héo lá…
Bạn cần phải thường xuyên quan sát sự lớn lên của cây để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường và có phương pháp điều trị hiệu quả.
Cần dọn cỏ và cắt tỉa, tiêu hủy những phần bị nhiễm bệnh ngay để không làm lây lan nguồn bệnh. Sau đó sử dụng các loại thuốc sinh học phun cho cây để phòng và trị sâu bệnh.
Người trồng cũng có thể tự làm chế phẩm sinh học từ tỏi, ớt, hành tăm,… phun xịt trực tiếp lên bộ phận bị sâu bệnh ở cây để tiêu diệt mầm bệnh.
Trên đây là những thông tin chi tiết và đầy đủ nhất về cách trồng cây hoa ớt ngũ sắc, hy vọng sẽ giúp bạn hiểu hơn về loài cây này. Ớt ngũ sắc không chỉ đẹp mà còn là một gia vị không thể thiếu trong nấu ăn thì ngại gì mà bạn không trồng một vài chậu hoa để tô điểm thêm cho không gian sống của mình. Chúc bạn thành công!